Ứng dụng công nghệ viễn thám và sử dụng nguồn dữ liệu ảnh từ trạm thu ảnh vệ tinh hiện có là giải pháp hữu hiệu để có được bộ thông tin dữ liệu cơ bản về tài nguyên môi trường biển.
Mục tiêu này đang thành hiện thực với Dự án “Giám sát tài nguyên môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám” do Cục Viễn thám quốc gia và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) chủ trì, phối hợp thực hiện. Đây là dự án thành phần của “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” (Đề án 47).
Công nghệ viễn thám có ưu điểm vượt trội so với các phương pháp truyền thống khác; là công cụ duy nhất có hiệu quả để giám sát tài nguyên môi trường biển và hải đảo với thông tin không gian rộng, đa thời gian, chính xác, khách quan, nhanh chóng; các yếu tố vật lý biển, kiểm kê, xác định vị trí, hình dáng, diện tích các đảo, xác định công trình trên các hải đảo và đặc biệt quan trọng đối với những vùng xa bờ, những nơi khó có điều kiện tiếp cận để điều tra bằng các phương pháp truyền thống như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa,... Việc sử dụng nguồn tư liệu ảnh vệ tinh thu được theo những khoảng thời gian khác nhau sẽ cho phép giám sát biến động tài nguyên môi trường biển, hải đảo theo thời gian.
Các nội dung và quy mô thực hiện bao gồm 3 nhóm nội dung chính.
1. Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin địa lý đa thời gian
Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin địa lý đa thời gian cho toàn vùng biển và hải đảo bằng công nghệ viễn thám để thành lập hệ thống bình đồ ảnh số vệ tinh Modis, Meris, Asar tỷ lệ 1:1.000.000 toàn vùng biển đa thời gian, bình đồ ảnh Spot tỷ lệ 1:50.000 ven biển và tỷ lệ 1:25.000 các đảo và bãi đá ngầm thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt đã thành lập hệ thống bản đồ địa hình quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa tỷ lệ 1:25.000, tỷ lệ 1:250.000 các đảo nổi và bãi đá ngầm độ sâu đến 10m.
2. Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên đề
Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên đề về tài nguyên môi trường biển và hải đảo bằng công nghệ viễn thám để xây dựng bộ bản đồ chuyên đề về lớp phủ bề mặt (landcover) tỷ lệ 1:50.000 cho vùng ven biển và các đảo nổi. Xây dựng hệ thống bản đồ chuyên đề tỷ lệ 1:1.000.000 kèm theo là các bộ số liệu về các yếu tố vật lý, hoá học, sinh vật và môi trường biển, hải đảo cho toàn vùng lãnh hải Việt Nam gồm: Bản đồ trường nhiệt độ bề mặt nước biển; Bản đồ phân bố hàm lượng diệp lục nước biển (chlorophyll); Bản đồ xác định hàm lượng muối bề mặt biển.
3. Xây dựng hệ thống giám sát đa thời gian
Xây dựng hệ thống giám sát đa thời gian tài nguyên môi trường biển và hải đảo Việt Nam trên nền công nghệ viễn thám và địa tin học để xây dựng nội dung cho hệ thống giám sát đa thời gian tài nguyên môi trường biển và hải đảo; Xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa lý (GIS) và chuyên đề tài nguyên môi trường biển.
Với nỗ lực của cán bộ chuyên gia Cục Viễn thám quốc gia đã cho kết quả hoàn toàn đáp ứng được những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Nổi bật nhất là thiết lập được cơ sở dữ liệu thông tin địa lý ảnh vệ tinh đa thời gian cho toàn vùng biển và hải đảo Việt Nam: Thành lập được bộ bản đồ địa hình tỷ lệ 1:25.000 và 1:250.000 bằng tư liệu ảnh vệ tinh cho 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thiết lập được cơ sở dữ liệu chuyên đề về một số yếu tố môi trường vật lý, hóa học và sinh vật vùng biển theo những khoảng thời gian trong năm (4 mùa/năm), các yếu tố lớp phủ bề mặt vùng ven biển và hải đảo Việt Nam và mở ra triển vọng to lớn trong việc tăng cường năng lực cho việc áp dụng công nghệ viễn thámphục vụ điều tra cơ bản và giám sát tài nguyên - môi trường biển, hải đảo Việt Nam thời gian tới.
Dự án xác định được khối lượng sản phẩm chuyên ngành lớn mang đậm tính khoa học, kỹ thuật cao như: Bình đồ ảnh vệ tinh Spot5 độ phân giải 2,5m tỷ lệ 1/25.000 với 260 mảnh; Bình đồ ảnh Modis, Meris, EnvisatAsar tỷ lệ 1:1.000.000 với 432 mảnh; Bình đồ ảnh vệ tinh Spot 5, Spot 4 tỷ lệ 1:50.000 với 185 mảnh; Bản đồ địa hình tỷ lệ 1:25.000 vùng quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa với 260 mảnh; 20 mảnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1:250.000 vùng quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa; 185 mảnh mảnh thuộc bộ bản đồ chuyên đề về lớp phủ bề mặt (landcover) tỷ lệ 1:50.000 cho vùng ven biển và các đảo gần bờ; Bộ bản đồ kèm các số liệu theo 4 mùa/năm về Trường nhiệt độ bề mặt nước biển vùng biển Việt Nam: 144 mảnh tỷ lệ 1:1.000.000; Bộ bản đồ kèm các số liệu theo 4 mùa/năm về Phân bố hàm lượng diệp lục (Chlorophyl) nước biển vùng biển Việt Nam: 144 mảnh tỷ lệ 1:1.000.000; Bộ bản đồ kèm các số liệu theo 4 mùa/năm về hàm lượng muối bề mặt nước biển vùng biển Việt Nam: 144 mảnh tỷ lệ 1:1.000.000; Hệ thống giám sát đa thời gian tài nguyên - môi trường biển và hải đảo Việt Nam bao gồm Cơ sở dữ liệu toàn bộ hệ thống thông tin địa lý vùng 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa (bản đồ địa hình và bản đồ biển), hệ thống bình đồ ảnh vệ tinh đa thời gian vùng biển và ven biển Việt Nam, hệ thống bản đồ lớp phủ bề mặt ven biển và các đảo gần bờ, các loại bản đồ, bộ số liệu chuyên đề về các yếu tố vật lý, hoá học, sinh vật và môi trường biển theo 4 mùa/năm của dự án ở dạng mở, có thể cập nhật thường xuyên hoặc theo chu kỳ.
Việc áp dụng công nghệ viễn thám trong điều tra, giám sát tài nguyên môi trường biển, hải đảo là hoàn toàn khả thi và khoa học. Đồng thời, khẳng định hiệu quả đầu tư của trạm thu ảnh vệ tinh quốc gia được đầu tư Cục Viễn thám quốc gia quản lý vận hành. Đồng thời góp phần tăng cường an ninh quốc phòng, bảo đảm chủ quyền vùng lãnh hải quốc gia. Các nội dung thực hiện của dự án đã khai thác tối ưu nguồn tư liệu ảnh vệ tinh thu được tại Trạm thu ảnh đã được Chính phủ đầu tư, góp phần thực hiện thắng lợi “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ và nâng cao hiệu quả của “Dự án xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại Việt Nam”. Đây cũng là dịp tiếp tục khẳng định sự trưởng thành cao của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cập nhật thêm được những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm trong xử lý, phân tích ảnh, chiết xuất thông tin, số liệu về các yếu tố vật lý, hóa học, sinh vật và môi trường biển.
Qua đây, để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường biển, Bộ TN&MT đề xuất cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành tổ chức, quản lý, vận hành hệ thống giám sát đa thời gian tài nguyên môi trường biển, hải đảo Việt Nam nhằm phát huy vai trò của cộng nghệ vũ trụ trong cập nhật định kỳ hằng năm đối với công tác điều tra thông tin cơ bản về tài nguyên môi trường biển như: các yếu tố vật lý, sinh học biển, xác định vị trí, hình dáng, diện tích các hải đảo, xác định công trình trên các hải đảo, v.v... phục vụ cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế biển, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển và phòng chống thiên tai, đồng thời góp phần tăng cường an ninh quốc phòng, bảo đảm chủ quyền vùng lãnh hải quốc gia. Đồng thời, tiếp tục xây dựng các nhiệm vụ, dự án trong giai đoạn tiếp theo, cần ưu tiên các nội dung về: Cập nhật các dữ liệu sản phẩm ở mức độ chi tiết cao hơn cho các loại bản đồ tỉ lệ lớn 1/5.000 và 1/10.000 trên các đảotrọng điểm; thành lập hệ thống bình đồ ảnh số vệ tinh Modis tỷ lệ 1:1.000.000 toàn vùng biển đa thời gian; bình đồ ảnh Spot tỷ lệ 1:50.000 ven biển và tỷ lệ 1:25.000 các đảo và bãi đá ngầm thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên đề cũng như bản đồ tỷ lệ 1:1.000.000 về các yếu tố vật lý, hoá học, sinh vật và môi trường biển, hải đảo cho toàn vùng lãnh hải Việt Nam , tổ chức thu thập số liệu một cách đầy đủ, chính xác phù hợp với mục tiêu chung của Đề án tổng thể.
Tác giả bài viết: Trương Văn Đạt - Phạm Ngọc Bách
Nguồn tin: Bộ Tài nguyên và Môi trường
ConversionConversion EmoticonEmoticon