iklan banner

Ứng dụng GIS trong quản lý hiện trạng nuôi trồng thủy sản huyện Ninh Phước, Ninh Thuận

Ứng dụng GIS trong quản lý hiện trạng nuôi trồng thủy sản huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận năm 2011 nhằm tạo ra một công cụ phục vụ cho việc quản lý nuôi trồng thủy sản tỉnh Ninh Thuận - công cụ GIS thông qua kiểu giao diện gần gũi, dễ sử dụng.
Ứng dụng GIS trong quản lý hiện trạng nuôi trồng thủy sản
Ứng dụng GIS trong quản lý hiện trạng nuôi trồng thủy sản
UNGDUNGGIS.EDU.VN
Ninh Thuận nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, là một trong những tỉnh có lợi thế về tự nhiên và kinh tế xã hội để phát triển ngư nghiệp. Tuy nhiên, việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ở tỉnh chủ yếu là do tự phát lẻ tẻ, chưa tập trung do đó việc quản lý của các cơ quan có thẩm quyền còn gặp nhiều bất cập. Nhận thấy được Công nghệ GIS có thể tham gia đẩy mạnh công tác quản lý hiện còn đang gặp nhiều khó khăn, đề tài được thực hiện nhằm đưa ra một hướng đi mới cho ngành nuôi trồng thủy sản với hy vọng thế mạnh về ngư nghiệp của tỉnh sẽ ngày càng phát triển hơn. Công nghệ GIS mà đề tài xây dựng chủ yếu dựa trên thực trạng và yêu cầu đặt ra từ các nhà quản lý, xoay quanh các khía cạnh đang được quan tâm về nuôi trồng thủy sản. Điều tra, khảo sát, phỏng vấn... là những phương pháp được đề tài sử dụng để phân tích, thu thập, thống kê dữ liệu và đưa vào hệ thống GIS nhằm thể hiện các nội dung cần thiết một cách khách quan hơn, rõ ràng hơn nhờ đặc điểm liên kết không gian - thuộc tính đặc trưng của GIS. Đồng thời dùng Arcview và ngôn ngữ Avenue để xây dựng (bao gồm việc thiết kế, lập trình) một giao diện quản lý gần gũi, thân thiện, dễ sử dụng. Vì vậy, sản phẩm cuối cùng của đề tài sẽ bao gồm bộ CSDL GIS về nuôi trồng thủy sản được thiết kế, xây dựng từ việc thu thập trực tiếp và một công cụ hỗ trợ việc quản lý với các chức năng đã Việt hóa. Do hạn chế về mặt thời gian, đề tài nghiên cứu chỉ mới dừng lại ở mức thí điểm trên địa bàn huyện Ninh Phước tuy nhiên kết quả của đề tài nghiên cứu có thể mở rộng ra các địa bàn khác. Thông qua kết quả nghiên cứu có thể thấy rằng việc tích hợp GIS vào công tác quản lý nuôi trồng thủy sản hiện nay sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho việc phân tích tính ổn định và phát triển nguồn lợi bền vững.

1.1. Lý do chọn đề tài  ứng dụng gis:

Hiện nay, điều dễ dàng nhận thấy là những vấn đề về tính ổn định đang là nỗi lo trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đòi hỏi phải đặt ra những vấn đề mang tính quy mô hơn, bởi lẽ công tác quản lý nguồn lợi vững bền rất cần sự hiểu biết, trong khi khai thác chỉ cần sự đầu tư. Bên cạnh đó, nghề nuôi tôm biển hiện đang được phát triển nhanh chóng ở những tỉnh ven biển nói chung và ở Ninh Thuận nói riêng, đều là những nơi vốn rất nhạy cảm về mặt môi trường. Do đó cần nhận thấy rằng việc hỗ trợ để quản lý nghề nuôi thủy sản một cách ổn định phải được cả chính quyền lẫn các cơ quan ưu tiên quan tâm. Tuy nhiên, ở Ninh Thuận trong những năm gần đây, đặc biệt là khu vực xã An Hải, huyện Ninh Phước đã và đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh phát sinh mà chưa có sự quan tâm giúp đỡ từ phía các cơ quan quản lý. Lý do chính là do giữa họ và người dân chưa hình thành được một sợi dây liên kết thông tin, làm cho việc quản lý còn mơ hồ, chưa rõ ràng. Việc quản lý của các cơ quan từ trước đến nay chủ yếu chỉ thông qua dữ liệu thống kê của từng năm (nhưng dữ liệu lưu trữ bị phân tán ở nhiều nơi, ở quá nhiều cơ quan khác nhau, chưa có hệ thống) hoặc đi thực tế để xem xét (công việc này không được thực hiện thường xuyên) chứ chưa có công cụ nào thực sự hữu ích để sử dụng. Qua phân tích công tác quản lý hiện nay của các cơ quan và nắm được những thế mạnh của GIS về mặt quản lý, hệ thống CSDL, tôi thực hiện đề tài "Ứng dụng GIS trong quản lý hiện trạng nuôi trồng thủy sản huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận năm 2011"  nhằm tạo ra một công cụ phục vụ cho việc quản lý nuôi trồng thủy sản tỉnh Ninh Thuận - công cụ GIS thông qua kiểu giao diện gần gũi, dễ sử dụng.

1.2. Lịch sử nghiên cứu về ứng dụng gis trong nuôi trồng thủy sản:

Vấn đề ứng dụng GIS về nuôi trồng thủy sản đã có một số nghiên cứu trong nước với những mức độ và khía cạnh quan tâm khác nhau:
- Một số công cụ phục vụ quản lý tổng hợp nuôi trồng thủy sản bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long - Tống Phước Hoàng Sơn, Lê Thị Thu Hà, Lê Lan Hương, Pascal Raux, Jacque Populus và Eve Auda (NCKH Đại học Cần Thơ năm 2006).
Bài viết có kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu, tích hợp RS và GIS trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản bền vững, thiết kế được công cụ hỗ trợ quản lý và quy hoạch nuôi bền vững. Bài viết chủ yếu tập trung vào vấn đề quy hoạch.
- Ứng dụng GIS và RS trong điều tra, phân tích hiện trạng nuôi trồng thủy sản ở đầm Sam Chuồn, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế - Lê Công Tuấn, Lê Thị Hạnh (Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế năm 2009).[9]
Kết quả nghiên cứu đã xây dựng được bản đồ GIS về phân bố nuôi trồng thủy sản tại đầm Sam Chuồn với sự hỗ trợ của RS. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu chỉ phục vụ việc phân tích hiện trạng, chưa đi sâu vào việc quản lý.
- Hướng dẫn quản lý môi trường trong đầu tư nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam - Viện quản lý thủy sản, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, mạng lưới các trung tâm nuôi trồng thủy sản Châu Á - Thái Bình Dương, Trường ĐH Cần Thơ (6/2006).
Bài viết có đề cập đến các khía cạnh cần cho quản lý nuôi trồng thủy sản tuy nhiên chưa có công cụ hỗ trợ, chủ yếu chỉ là phương pháp quản lý trong ngành. Qua bài viết nhận thấy các vấn đề về nuôi trồng thủy sản được phân tích theo chiều sâu, từ đó thấy được vai trò của chúng trong công tác quản lý hiện nay.
UNGDUNGGIS.EDU.VN

1.3. Mục tiêu nghiên cứu ứng dụng gis trong quản lý nuôi trồng thủy sản

Đề tài được thực hiện nhằm hỗ trợ công tác quản lý kinh tế nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Ninh Thuận.
Mục tiêu cụ thể là xây dựng công cụ GIS hỗ trợ công tác quản lý bao gồm:
Thành lập bộ CSDL GIS về hiện trạng nuôi trồng thủy sản tỉnh Ninh Thuận trong năm 2011.
Xây dựng giao diện của công cụ quản lý.

1.4. Phạm vi nghiên cứu:

- Về không gian: Đề tài thực hiện nghiên cứu trên địa bàn các xã Phước Hậu, Phước Sơn, Phước Nam, Phước Thuận, Phước Dân, An Hải, Phước Hữu, Phước Vinh, Phước Thái thuộc huyện Ninh Phước.
- Về nội dung: Đề tài tập trung nghiên cứu hỗ trợ việc quản lý hiện trạng nuôi trồng thủy sản cả nước mặn, lợ và ngọt (không bao gồm mảng đánh bắt).

1.5. Phương pháp và phương pháp luận:

1.5.1. Phương pháp luận: Phân tích tìm hiểu yêu cầu, thực trạng việc quản lý nuôi trồng thủy sản của các cơ quan, từ đó rút ra được khía cạnh mà các nhà quản lý quan tâm, sau đó thu thập, xử lý, thống kê số liệu và đưa vào công nghệ GIS để xây dựng bộ CSDL kết hợp việc thiết kế giao diện công cụ quản lý. Tùy theo yêu cầu đặt ra từ các nhà quản lý mà hình thành các bản đồ chuyên đề từ bộ CSDL đã xây dựng, phục vụ mục đích theo dõi quản lý.  
1.5.2. Phương pháp:
- Để phân tích hiện trạng quản lý nuôi trồng thủy sản của tỉnh, tìm hiểu yêu cầu của các nhà quản lý: thảo luận, trao đổi với các nhà quản lý, điều tra, khảo sát nhiều lần.
- Từ những khía cạnh được quan tâm, những yêu cầu được đặt ra mà thu thập, xây dựng CSDL bằng phương pháp: khảo sát thực địa, bảng hỏi, đo GPS…
- Thiết kế chi tiết và xây dựng bộ CSDL GIS về nuôi trồng thủy sản trên phần mềm Arcview, lập trình Avenue thiết kế giao diện của công cụ quản lý.
- Thành lập các bản đồ bằng phương pháp: phương pháp thể hiện nội dung bản đồ, phân tích không gian…

1.6. Các bước thực hiện:



Sơ đồ các bước thực hiện đề tài
Sơ đồ các bước thực hiện đề tài
Đầu tiên cần tiến hành song song việc tìm hiểu thực trạng quản lý nuôi trồng thủy sản và khả năng hỗ trợ của GIS cho việc quản lý này. Từ thực trạng việc quản lý và yêu cầu được đặt ra bởi các nhà quản lý rút ra được các khía cạnh được quản lý nuôi trồng thủy sản hiện nay đặc biệt quan tâm, từ đó phân tích các thiết kế sơ bộ bộ CSDL GIS cần có (bộ dữ liệu gồm những dữ liệu gì, thu thập như thế nào…)và những yêu cầu đối với công cụ hỗ trợ quản lý (công cụ cần đáp ứng những gì, bao gồm các chức năng nào…).
Sau khi đã có những phân tích sơ bộ, tiến hành thu thập dữ liệu bằng các phương pháp như khảo sát, phỏng vấn, thực địa đo đạc…, xử lí số liệu để có được bộ CSDL GIS chi tiết về nuôi trồng thủy sản trên phần mềm Arcview 3.3. Kết hợp ý tưởng thiết kế về giao diện, lập trình xây dựng giao diện công cụ bằng ngôn ngữ Avenue với các chức năng phù hợp với yêu cầu của các nhà quản lý, thao tác trên bộ dữ liệu đã thu thập và xử lí. Sản phẩm của đề tài sẽ bao gồm bộ CSDL GIS về nuôi trồng thủy sản và công cụ hỗ trợ quản lý với kiểu giao diện dễ sử dụng.
1.7. Cấu trúc khóa luận:
Khóa luận tốt nghiệp với đề tài "Ứng dụng GIS trong quản lý hiện trạng nuôi trồng thủy sản huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận năm 2011" bao gồm 6 chương, trong đó:
Chương 1 - MỞ ĐẦU: Trong chương này có các mục Lý do chọn đề tài, Lịch sử nghiên cứu, Mục tiêu, Giới hạn của đề tài, Các bước thực hiện. Nội dung chương chủ yếu cho thấy các công việc để thực hiện đề tài một cách tổng quát nhất.
Chương 2 - CƠ SỞ LÝ LUẬN CHUNG: Chương này bao gồm toàn bộ các cơ sở lý thuyết về nuôi trồng thủy sản, hệ thống thông tin Địa lý (GIS) và khả năng ứng dụng của GIS cho việc quản lý nuôi trồng thủy sản.
Chương 3 - PHÂN TÍCH CÁC ĐẶC ĐIỂM VÀ YÊU CẦU TRONG QUẢN LÝ HIỆN TRẠNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN: Từ những vấn đề cần được quan tâm ở chương 2, chương này tiến hành phân tích sâu hơn những vấn đề đó để tạo cơ sở cho việc xây dựng công cụ hỗ trợ quản lý. Chương này gồm 5 mục: Ao nuôi, con giống, mật độ nuôi, thức ăn, môi trường ao nuôi.
Chương 4 - XÂY DỰNG CÔNG CỤ HỖ TRỢ QUẢN LÝ: Đây là chương cho thấy các công việc để xây dựng một công cụ hỗ trợ quản lý từ việc thiết kế CSDL cho đến khi hoàn tất sản phẩm bao gồm các 2 phần lớn là xây dựng bộ CSDL GIS về nuôi trồng thủy sản và Lập trình các chức năng cho công cụ.
Chương 5 - SẢN PHẨM VÀ MỘT SỐ ỨNG DỤNG: Ngoài giới thiệu bộ mặt của sản phẩm hoàn chỉnh, chương này còn cho thấy khả năng ứng dụng GISvào công tác quản lý nuôi trồng thủy sản thông qua một số ứng dụng cụ thể. Chương có 2 mục là Sản phẩm và Một số ứng dụng.
Chương 6 - KẾT LUẬN: Kết quả đạt được, Đóng góp của đề tài, Hạn chế của đề tài, Hướng phát triển là những nội dung mà chương 6 đề cập. Đây là chương mang tính tổng kết cho toàn bộ khóa luận, rút ra những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện khóa luận cũng như những tiện ích mà đề tài mang lại cho người sử dụng.
Nguồn: Khóa luận tốt nghiệp
Trần Thị Trúc Uyên - năm 2012
Chuyên ngành: Bản đồ - Viễn Thám GIS
Khoa Địa lý Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn
Previous
Next Post »
iklan banner